Để thuyết phục được những người phụ trách cấp visa du học, làm thủ tục tại phòng lãnh sự của các đại sứ quán thừa nhận rằng, mình sở hữu một khoản tiền thừa đủ để lo cho con ăn học ở xứ người là một chuyện không dễ.
Thế nên, ngày càng có nhiều người nhờ đến các chuyên gia tư vấn du học mách cho các bước để chứng minh tài chính.
Khi tình ngay lý gian
Với nguồn thu nhập cá nhân của phần lớn các gia đình Việt Nam hiện nay, thật khó tìm bậc phụ huynh nào có thể nói cứng rằng việc chứng minh tài chính của gia đình (một trong những điều kiện bắt buộc để hoàn thiện hồ sơ du học) là chuyện đơn giản.
Quốc vừa tốt nghiệp THPT loại khá và ôm mộng du học Nhật một ngày gần. Chỉ dám ôm mộng thôi vì khi tìm hiểu các điều kiện cần và đủ để du học, Quốc thấy việc đáp ứng về bằng cấp và ngoại ngữ thì mình có thể lo được, nhưng còn về khoản chứng minh tài chính thì… Bố mẹ Quốc vì lý do sức khỏe nên không đi làm việc văn phòng, không kinh doanh, chỉ ở nhà quanh quẩn lo cho con cháu. May sao ông bà để lại cho một miếng đất, từ đó làm nhà cho thuê hàng tháng, không phải vất vả, bon chen kiếm tiền ngoài xã hội. Thế nhưng cũng vì vậy mà Quốc không thể chứng minh được thu nhập hàng tháng của bố mẹ, không có giấy phép kinh doanh, chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có sổ tiết kiệm 40.000 USD gửi ở ngân hàng trước khi du học 6 tháng. Chỉ có mỗi giấy tờ nhà cầm trong tay, đi đến sứ quán nào Quốc cũng bị loại ngay từ cửa nộp hồ sơ.
Trên thực tế, những trường hợp như Quốc khi đến các trung tâm tư vấn du học là khá nhiều. Quốc sẽ khó có khả năng được cấp visa nếu như không thể chứng minh được bằng chứng từ cụ thể về tài sản của cha, mẹ cũng như các chứng từ liên quan đến việc kinh doanh của cha, mẹ. Với nếp thu chi trong gia đình như hiện nay tại Việt Nam, nhiều gia đình làm nghề tự do hoặc những ngành nghề kinh doanh nhỏ lại thường “né” đóng đúng thuế kinh doanh, thuế thu nhập… việc chứng minh tài chính trước cơ quan chức trách nước ngoài là rất khó. Mà điều kiện quan trọng để con em được đi du học lại chính là phải chứng minh gia đình có đủ tiền để trang trải chi phí du học, du học sinh không bỏ học giữa chừng để đi làm kiếm tiền, ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như tình hình an ninh xã hội tại nước sở tại.
Để đảm bảo cho điều này, việc đầu tiên các đại sứ quán yêu cầu là du học sinh phải có sổ tiết kiệm nhiều hơn tổng khoản chi phí ước tính cho 1 hoặc 2 năm du học Nhật Bản đầu tiên. Thời gian gửi của sổ tiết kiệm mỗi đại sứ quán có một quy định riêng, thông thường tối thiểu khoảng 3 tháng trước khi nộp hồ sơ. Riêng với Tổng lãnh sự quán Anh, New Zealand, thời gian tối thiểu là trước 6 tháng.
Liệu pháp hóa giải
Theo các chuyên gia tư vấn, hiện tại, nhằm hỗ trợ thêm cho những gia đình muốn cho con em đi du học Nhật, nhiều ngân hàng đã mở thêm dịch vụ cho vay du học, tín dụng du học. Tín dụng du học đáp ứng được nhu cầu của các gia đình tuy chưa có đủ nguồn tài chính cần thiết nhưng vẫn muốn cho con em mình đi du học. Hơn thế nữa, việc trả gốc và lãi vay thường diễn ra trong một thời gian khá dài (10 năm) tùy theo hợp đồng tín dụng nên số tiền phải trả hàng tháng/quý cho ngân hàng cũng nằm trong khả năng của nhiều gia đình. Ngoài ra, tâm lý hy vọng vào một tương lai tươi sáng của con cái sau khi du học về để trả hết khoản nợ cũng là một nguyên nhân khác khiến các bậc cha, mẹ lựa chọn hình thức này. Về phía các ngân hàng, đây là một khoản tiền cho vay dài hạn mang lại lợi nhuận cao và tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi của doanh nghiệp. Sự gặp nhau giữa cung và cầu đã khiến cho hình thức tín dụng du học ngày càng trở nên phổ biến.
Những ngân hàng cung cấp dịch vụ này bao gồm: Eximbank, ACB, Techcombank, Sacombank… Trong đó, hầu hết các ngân hàng đều có thể cho vay với số tiền lên đến 100% học phí và sinh hoạt phí. Một số ngân hàng như Techcombank thì chỉ cho vay tối đa 70% tổng chi phí của khóa học, phần còn lại (30%) gia đình sẽ phải tự trang trải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét